Tìm hiểu các thuật ngữ sử dụng trong dự báo xu thế thủy văn
Thứ ba - 28/10/2014 14:56
Có lũ: là khi dòng chảy trên nguồn đổ về làm cho mực nước tại trạm dự báo dâng lên, sau đó xuống trong một thời gian nhất định (trong mùa lũ biên độ nước lên phải từ 1 mét trở lên; trong mùa cạn biên độ nước lên phải từ 0,5 mét trở lên; biên độ nước lên được coi là có lũ phải tính cụ thể cho từng vị trí dự báo theo biên độ lũ trung bình nhiều năm).
1. Gần mức: Trị số dự báo được coi là gần mức khi sai số dự báo nằm trong phạm vi nhỏ hơn 50% Scf (sai số cho phép)
2. Xấp xỉ hoặc tương đương: Trị số dự báo được coi là ở mức xấp xỉ hoặc tương đương khi sai số dự báo nằm trong phạm vi ± Scf
3. Trên mức: Trị số dự báo được coi là trên mức, khi sai số dự báo nằm trong phạm vi từ 0 ¸ +Scf
4. Dưới mức: Trị số dự báo được coi là dưới mức khi sai số dự báo nằm trong phạm vi - Scf ¸ 0
5. Lũ lên (hoặc xuống) nhanh: Là lũ có cường suất lên (hoặc xuống) lớn hơn cường suất trung bình nhiều năm tại trạm đang xét.
6. Lũ lên (hoặc xuống) chậm: Là lũ có cường suất lên (hoặc xuống) nhỏ hơn cường suất trung bình nhiều năm tại trạm đang xét.
7. Dao động nhỏ: Mực nước trong thời gian dự kiến có lên và có xuống với biên độ không đáng kể (biên độ nhỏ hơn độ lệch chuẩn của mực nước tại vị trí đang xét).
8. Ít biến đổi, ít thay đổi (hoặc biến đổi chậm, thay đổi chậm): Mực nước có lên (hoặc xuống) nhưng trong thời gian dự kiến biên độ nhỏ hơn sai số cho phép (Scf).